Loading...

TRẠCH NHỰT (CHỌN NGÀY TỐT)

Đang cập nhật

Văn hóa xã hội và tín ngưỡng tôn giáo là một hiện tượng khảo sát của văn minh nhân loại. Như chúng ta đã biết, văn hóa Việt Nam nói chung, hay các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội nói riêng, trải qua quá trình phát triển lịch sử của dân tộc đã chịu nhiều ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa, tôn giáo vốn đã du nhập vào nước ta hòa quyện để trở thành truyền thống dân gian của dân tộc.

Dĩ nhiên, những truyền thống dân gian nguyên thủy của các dân tộc người bản xứ được coi là thủy tổ của dân tộc Việt dần dần được pha trộn với các nền văn hóa khác mà phát triển, thì chủ thể không còn là bản sắc ban đầu của nó. Đó là một hoàn cảnh mang tính đặc thù của người Việt, vốn dĩ thuyết minh cho phần nghiên cứu chuyên đề này là phong tục tập quán mang ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa ở vùng đất Nam bộ.

Một điển hình cho hình thái này là Tập tục Sóc, Vọng, một tập tục gắn liền với đời sống người Á Đông, và đặc biệt là với dân tộc Việt ở miệt đồng bằng Nam bộ, nơi mà mọi sinh hoạt, giao thông, kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng đều ít nhiều phụ thuộc vào các con nước thủy triều trên sông rạch.


Nguồn Gốc Tập Tục Sóc Vọng:

- Sóc: là ngày mùng 01 tháng âm lịch.

Sóc có nghĩa là tên gọi ngày bắt đầu của một tháng, là trước, mới, là bắt đầu, khởi đầu.


- Vọng: là ngày rằm (tức ngày 15) tháng âm lịch.

Vọng có nghĩa là trông xa, là ngày mặt trăng mặt trời đối xứng nhau ở hai cực. Người xưa cho rằng vì thế mặt trời mặt trăng nhìn rõ nhau, thấu suốt ánh sáng nhau, soi chiếu vào mọi tâm hồn con người trở nên sáng suốt, trong sạch, đẩy lùi được mọi đen tối vẩn đục cái tâm vốn sáng suốt, trong sạch từ trong bản thể. Chữ Vọng còn có nghĩa trông mong, ước mong, người xưa lấy ý nghĩa này kết hợp với ý nghĩa trước để làm ngày cầu nguyện. Người ta tin rằng ở ngày này nhờ sự thông suốt của mặt trời, mặt trăng mà thần thánh, ông bà, tổ tiên sẽ thông thương với con người, sự cầu nguyện sẽ đạt tới sự cảm ứng với các cõi khác và sự thông cảm tha thứ sẽ được đáp lại.


Ý Nghĩa:


Trải qua quá trình lịch sử và ảnh hưởng của các trào lưu tôn giáo, ngày Sóc, Vọng được nhận thức ở mỗi nơi có khác ít nhiều tùy theo con người, thổ nhưỡng và tín ngưỡng chủ đạo. Nhưng việc cúng lễ ở hai ngày này giống nhau và coi như là một lễ chung cho cả hai ngày không khác. Người xưa coi ngày Sóc, Vọng là ngày tưởng nhớ tổ tiên, cúng bái ông bà, là ngày nghỉ ngơi trong lao động sản xuất và là ngày chay tịnh để sửa mình.

Theo truyền thống của Nho, Lão giáo, ngày Sóc, Vọng là ngày "Thiên Địa Mở Thông", là sự thông thương của tất cả mọi chướng ngại giữa ba cõi (Thiên, Địa, Nhân). Trời sẽ chứng giám cho hành vi của con người, ông bà tổ tiên sẽ về cảm nhận lòng thành của con cháu, và quỉ thần ám chướng sẽ lui khỏi những ngày này không nhiễu hại ai.

Ngày Sóc, Vọng còn có ý nghĩa "Cát tường" tức là ngày lành tốt nhất trong tháng. Và ý này được chấp nhận chung cho cả quan niệm phương Đông ở Nho - Phật - Lão, như ngày Chúa nhật của phương Tây với Thiên Chúa giáo.

Đối với Phật giáo, ngày Sóc, Vọng là ngày "Trưởng Tịnh" tức là ngày trong sạch nhất. Ngày này, những tu sĩ ở chùa thường làm lễ Bố Tát tức là kiểm điểm hành vi của mình và tụng giới luật, còn lễ chính thức cho nhân dân và người theo đạo Phật đó là lễ "Sám Hối" nên còn được gọi là ngày Sám hối. Ngày này mọi người tụ tập về chùa vào lúc màn đêm vừa buông xuống để cùng các vị Tăng lễ Phật, sám hối cầu nguyện bỏ dữ làm lành sửa đổi thân tâm.

Sự Du Nhập:


Ngày Sóc, Vọng có điểm xuất phát từ khi hình thành nên âm lịch ở nước Trung Hoa Cổ đại. Trải qua bao thời đại, nước Trung Hoa gồm thâu thiên hạ trở thành một đất nước cường thịnh, phát triển mọi mặt về văn hóa, quân đội và Nhà nước phong kiến. Vua quan phong kiến nước Trung Hoa vẫn tiếp tục mộng bá quyền, coi mọi dân tộc đất nước lân bang khác là chư hầu, dùng bạo lực xâm lược để trấn áp và bành trướng nền văn hóa của họ để cai trị, đồng hóa.

Chính vì thế văn hóa Trung Quốc đã truyền vào Việt Nam và nhân dân ta đã hấp thụ âm lịch cùng chấp nhận nó. Ban đầu ảnh hưởng Lão giáo, Khổng giáo gắn rất chặt vào các ngày lễ theo văn hóa Trung Quốc, nhưng về sau nhân dân chỉ chấp nhận sử dụng âm lịch và biến ngày Sóc, Vọng thành ngày cúng ông bà của dân tộc mình, rồi tiếp tục nhận ảnh hưởng Phật giáo vào tập tục đó để đẩy dần ảnh hưởng Nho - Lão giáo ra, hình thành nên nét riêng của dân tộc trong ngày Sóc, Vọng.

Tập tục Sóc, Vọng theo chân những người Việt di dân khai phá vùng đất mới mà vào Nam bộ. Chính ở đấy đã hòa hợp vào những con người tứ xứ và đất đai mà có những hình thái sinh hoạt đặc thù mà người viết đang nghiên cứu cái đặc thù ấy nơi bài này.


Ảnh Hưởng Phật Giáo Chi Phối Tập Tục Sóc Vọng:


- Ngày Trưởng Tịnh:


Như đã dẫn, ngày Sóc, Vọng còn được gọi là ngày Trưởng tịnh, sám hối và ăn chay, ba ý nghĩa ấy xuất phát từ ảnh hưởng của Phật giáo.

Đúng ra, ngày Trưởng tịnh đã được Phật giáo hóa từ khi Phật giáo Đại thừa truyền vào Trung Hoa ở phương Bắc và truyền vào các nước theo Phật giáo Tiểu thừa ở phương Nam. Và ở Nam bộ, là điểm hội tụ của cả hai hệ phái Phật giáo ấy trong tập tục Sóc, Vọng, vì Phật giáo Tiểu thừa sử dụng lịch Ấn Độ không sử dụng âm lịch Trung hoa, nhưng ngày làm lễ Bố Tát của họ cũng được quy định bằng ngày trăng sáng và ngày không trăng. Vì vậy, ngày Sóc, Vọng ở Nam bộ, nơi vùng đất cũ của người Khơme còn sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo Tiểu thừa, cộng với tín ngưỡng Phật giáo Đại thừa được mang đến từ người Việt lưu cư, đã hòa quyện nhau trở thành ngày của Phật giáo mang đặc điểm khác biệt với Trung bộ và Bắc bộ về Sóc, Vọng.


- Ngày Sám Hối:

+ Đêm mồng một:

Ở Nam bộ không có thói quen gọi là ngày Sóc, Vọng, mà người ta thường gọi một cách quen thuộc là ngày rằm (tức ngày Vọng - 15) và ngày mồng một (tức ngày Sóc - 30,1). Không khí của ngày rằm, mồng một ở đây được coi là những ngày quan trọng hơn mọi ngày trong tháng.

+ Đêm trăng rằm:

Đặc tính của đêm trăng rằm là con nước đầy. Vì thế, nét sinh hoạt trên quê hương sông nước là một nét đặc trưng của Nam bộ trong sinh hoạt nhân dân, nhất là đối với ngôi chùa ở miệt này.


Ngày Ăn Chay:

Ăn chay, hay còn gọi là ăn lạt, phát xuất từ quan niệm từ bi của Phật giáo Đại thừa, khuyên tối thiểu mỗi người theo đạo Phật phải tập ăn chay mỗi tháng là hai ngày rằm và mồng một.

Ngày chay là một bộ mặt khác của chợ búa - điểm hội tụ sinh hoạt sôi động nhất cho nhu cầu con người hàng ngày. Những loại thức ăn chay được bày bán, những quán đồ chay được mời chào và phong cách mọi người cũng khác đi khi họ ăn chay. Một điểm nữa là bông trái được bày bán la liệt, có thể nói ngày Sóc, Vọng là một ngày đầy màu sắc với bông hoa rực rỡ, người làm vườn thì chở hoa ra chợ và mỗi người đi chợ đều mang về một bó hoa trong giỏ. Nét nghiêm túc được thể hiện nơi mọi người, việc sát sanh tranh cãi được hầu như gác lại để dành cho cái thiện ở mỗi người thể hiện ra.


Các Hình Thức Sinh Hoạt Nhân Dân:

Sự khác biệt giữa các ngày Sóc, Vọng trong năm:

Mặc dù năm tháng trôi qua như mặt nước hồ phẳng lặng đều đặn như nhau, thế nhưng ở cùng ngày Sóc, Vọng trong năm cũng có những hình thức sinh hoạt khác biệt nhất định của nó. Trong đó ảnh hưởng Phật giáo hầu như gói gọn tất cả mọi ngày lễ ấy. Có thể lập được biểu đồ để so sánh các ngày lễ lớn của Sóc, Vọng như sau theo ảnh hưởng Phật giáo:


Ngày Sóc:

- 30 - 1 tháng Giêng (Tết âm lịch), Lễ Vía Phật Di Lặc - 30 tháng Bảy: Lễ Vía Địa Tạng Bồ Tát.


Ngày Vọng:

Rằm tháng Giêng: Lễ Cầu phúc, cầu an, hành hương. - Rằm tháng Hai: Lễ Phật nhập Niết bàn.

- Rằm tháng Tư: Lễ Phật đản.

- Rằm tháng Bảy: Lễ Vu-lan, báo hiếu, xá tội vong nhân. - Rằm tháng Mười: Lễ Cúng rằm.

Trong đó:

12 ngày Sóc

- 2 Đại lễ.

- 10 lễ bình thường.

- 12 ngày Vọng

- 5 Đại lễ.

- 7 Lễ bình thường.


Những Quan Niệm Khác Nhau Về Ngày Sóc, Vọng:

Cái gì đã đi vào truyền thống dân gian thì đều mang trong tự bản thân nó tính chất hòa nhập xã hội và phản ảnh xã hội của địa phương chấp nhận nó. Bên cạnh đó, là quan niệm của các tầng lớp nhân dân trong mối quan hệ tập tục này về hình thức sinh hoạt và tâm lý. Đi sâu vào khảo sát, ta thấy các quan niệm của họ về ngày Sóc, Vọng như sau:


1. Đối Với Người Tín Ngưỡng Dân Gian:

Tín ngưỡng dân gian ở đây thể hiện ở đình và miếu. Một bộ phận nhân dân trong ngày Sóc, Vọng sẽ đến đình hay miếu của làng mình để đốt nhang, chưng dọn quả phẩm cúng Sóc, Vọng. Thực ra ngày Sóc, Vọng chỉ là ngày lễ bình thường mơ cửa cho mọi người đến viếng và lễ như thường lệ mà thôi, chứ không phải là có lễ gì đặc thù trong những ngày này. Bởi đó là ngày nghỉ ngơi của nhân dân với quan niệm hướng về đạo lý truyền thống.

Đình là biểu tượng của làng, quan niệm về ngày Sóc, Vọng mang ảnh hưởng Nho giáo, mặc dù các Thần làng được thờ là các vị công thần thời phong kiến Việt Nam có công ở làng hoặc là anh hùng dân tộc. Sinh hoạt chủ yếu là tế lễ định kỳ với Lễ Sinh dâng cúng, và họp mặt hội đình để bàn việc làng nước, trùng tu, tương tế v.v... Đối tượng chính của đình là các bô lão chức sắc của làng và nam giới, họ đến đình để được phân công các công việc và thực hiện như một bổn phận đối với nghĩa vụ công cộng của địa phương mình.

Miếu, hay còn gọi là miễu, là nơi tín ngưỡng dân gian thờ Bà, gồm các vị thánh dân gian như: Năm Bà Ngũ Hành, Bà Thiên Hậu, Bà Chúa Xứ, Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu), Bà Mẹ Sanh, Mẹ Độ, Thánh Anh, Kim Huệ v.v... Và đặc biệt là bất cứ miếu nào cũng đều có thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, mà dân gian gọi là Phật Bà. Ngày Sóc vọng ở miếu có phần rộn rã hơn đình, qui tụ một bộn phận nam phụ lão ấu mà đa số là phụ nữ. Sinh hoạt của họ trong những ngày này là cúng rằm và lễ cầu an, tụng kinh Phổ Môn, kinh của Phật giáo. Sau đó là họp hội miếu bàn việc tương tế phước thiện giúp đỡ những hoàn cảnh tang tế khó khăn của người trong Hội.


2. Đối Với Người Theo Đạo Phật:

Phật giáo đối với nhân dân Nam bộ có mối gắn bó lâu đời trên mảnh đất này, hòa quyện với đạo Phật của người Khơme vốn có tự lâu đời. Tuy nhiên người Khơme sử dụng lịch Ấn Độ trong sinh hoạt, so với ngày Sóc, Vọng của người Việt với ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa, về hình thức sinh hoạt có khác nhau nhưng quan niệm như nhau.


3. Đối Với Người Không Theo Tín Ngưỡng:

Ngày Sóc, Vọng đối với họ như là ngày nghỉ ngơi trong lao động, nhưng có khác là họ vẫn coi như hai ngày truyền thống đạo lý, ngày lành nhất để sắm sửa cúng kiến ông bà tổ tiên. Quan niệm của họ là ngày cúng ông bà, là bổn phận chữ hiếu đối với người quá cố và giáo dục con cái theo truyền thống đạo lý đặc thù của dân Nam bộ: Hiếu và Nghĩa. Mọi hành động bất thiện, những nghề nghiệp thấp kém đều hạn chế hoạt động trong ngày Sóc, Vọng, như là nghề: mổ heo bán rượu, cờ bạc v.v...


Giá Trị Truyền Thống Đạo Lý Dân Tộc:

Nói truyền thống, tức là nói đến mặt lịch sử của tập tục. Trải qua bao đời, ngày Sóc, Vọng đã trở thành tập tục của người Việt Nam trong bối cảnh cụ thể đất nước - và riêng ở Nam bộ. Đặc biệt là gắn vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp lúa nước - một nền nông nghiệp tùy thuộc vào con nước tự nhiên được tính toán bằng âm lịch một cách chính xác theo điều kiện sinh thái của miền Nam. Từ đó, văn hóa được dựa vào bối cảnh nông nghiệp ấy mà phát triển phù hợp với đất nước con người, được qui định bởi xã hội ấy.

Trong ngày Sóc, Vọng, là ngày con nước đầy ở mức cao nhất không có ròng sát, thì công việc đồng áng hầu như phải gác lại toàn bộ, không có thể cày cấy gieo trồng, chỉ có thể nghỉ ngơi bơi xuồng đi lại thăm hỏi nhau hay dự hội hè đình đám vui chơi, hoặc dự lễ nơi chùa chiền yên tĩnh...


b) Nói về đạo đức, tức là nói đến tính xã hội của tập tục. Đối với xã hội Nam bộ, ngày Sóc, Vọng là dấu ấn đậm nhất trong mọi sinh hoạt của họ, một ngày lành tốt để làm việc thiện, để răn mình đừng làm điều xấu trong công việc, hành vi ngôn ngữ và tư tưởng. Ở thành phố, chúng ta có thể không thấy được ảnh hưởng tư tưởng của những ngày này, vì xã hội công nghiệp chú trọng đến dương lịch, Chúa nhật và ngày nghỉ lễ là ngày vui chơi. Nhưng ở xã hội nông nghiệp thì ngày âm lịch chi phối tất cả, và ngày nghỉ là ngày Sóc, Vọng với một ý nghĩa đạo đức thanh thản tâm hồn chứ không phải vui chơi.


Đối với người dân Nam bộ ở miền quê, thì ngày Sóc, Vọng luôn ở trong tâm khảm họ suốt những ngày ấy.


Khảo cứu qua tâm lý các tầng lớp ta thấy:


- Đối với người già, đây là ngày nhắc nhở con cháu cúng ông bà, làm lành lánh dữ, và họ đi đến chùa chiền đình miếu để gặp gỡ nhau như hình thức câu lạc bộ bây giờ.

- Đối với người trung niên, lao động chính của gia đình, đây là ngày nghỉ ngơi sau mọi vất vả lao động, để sống với gia đình, hoặc chè chén bàn luận nhân tình thế sự, kinh nghiệm lao động.

- Đối với tầng lớp thanh thiếu niên, đây là ngày được phép đến chùa để "công quả", một hình thức của việc từ thiện xã hội, học tập đạo đức làm người và được gặp gỡ trao đổi tình cảm vui chơi với nhau.

- Đối với trẻ con, các em coi đây là những ngày thiêng liêng, có thể nhận được sự tha thứ mọi lỗi lầm của mình nơi người lớn đến đình chùa, và được hưởng những phần bánh trái sau khi cúng bái.

Đời này tiếp nối đời khác sống trong tinh thần đạo đức như thế, tính xã hội được định hình qua ngày Sóc vọng ăn vào nếp nghĩ của con người từ khi tấm bé cho đến trưởng thành tựa như một bức tranh đậm nét thực và ảo khắc vào tâm trí họ hình ảnh quê hương thân yêu.


Phong Tục Cúng Cô Hồn Vào Mùng 2 Và 16 Hằng Tháng


Song song tục cúng cô hồn vào tháng bảy âm lịch, hàng tháng nhiều nơi còn cúng cô hồn vào ngày mùng 2 hay 16 âm lịch.


Chúng ta cũng biết chưa ai lập bàn thờ để thờ “Cô Hồn Các Đảng” trong nhà, chỉ những nơi công cộng thường xảy ra tai nạn chết người, gọi là am hay miểu cô hồn.


Tuy vậy những nhà buôn bán kinh doanh, người ta thường hay cúng hàng tháng vào các ngày mùng 2 và 16 tại trước cửa nhà (ngoài lễ Vu lan cúng cô hồn trong dịp rằm tháng bảy). Mọi người cho rằng, những oan hồn chết bất đắc kỳ tử nơi ngoài đường xó chợ, đều không được siêu thoát về miền lạc cảnh để đầu thai sang kiếp khác, cho dù không phải là những hồn ma vô thừa nhận.


Người xưa có quan niệm, mỗi người đều có ba hồn (ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía nói về nam giới hay nữ giới), khi chết: một hồn sống ở nơi chết, một hồn sống nơi mồ mả (coi như ngôi nhà mới của họ), và một hồn đi theo phán quan để được luận công tội khi còn sống. Nên người chết ở nơi nào hồn còn luẩn quẩn nơi đó, nếu chết ở nhà thì được thân nhân cúng giỗ cho ăn no mặc đẹp; khi chết ngoài đường xó chợ thì hồn sẽ vất vưỡng không nhà, không cơm ăn áo mặc, trở thành “cô hồn các đảng” tụ họp nhau đi quậy phá cướp bóc các nơi.


Nói quậy phá cướp bóc là nói nghĩa bóng, còn người kinh doanh thấy buôn bán ế ẩm hoặc hay xảy ra chuyện này đến chuyện khác v.v... cho là cô hồn đến đòi ăn, vì không biết nên bị quậy phá.


Để được yên ôn làm ăn buôn bán, nên vào ngày mùng 2 và ngày 16 âm lịch, thường mua các loại hàng mã gồm áo quần, giấy tiền vàng bạc, kẹo bánh trái cây cúng trước cửa nhà (hay nơi đang buôn bán) cùng đĩa muối gạo.


Khi thắp nhang khấn vái thường là câu:


Tôi tên là... chủ tiệm... ở số... đường... quận... tỉnh, thành... Việt Nam quốc.


Hôm nay là ngày mùng 2 (hay 16) tháng..., chúng tôi có ít quần áo, tiền bạc gởi cho các chiến sĩ trận vong, các oan hồn uổng tử, các đảng ở khắp nơi đang khuất mặt khuất mày đến nhận. Sau phù hộ chúng tôi được buôn may bán đắt, mọi sự được sở cầu như ý.


Chúng tôi nhờ các vị mà được buôn may bán đắt thì lần sau sẽ xin cúng hậu tạ (hứa cúng gì đó như gà luộc, vịt quay, heo quay...).


Đây là chút lòng thành xin các vị nhận cho.


Cúng cô hồn hàng tháng giản dị và không quy mô như cúng cô hồn trong mùa Vu Lan, nên không có bọn trẻ con đến giật, nhưng nếu có thì nên cho chúng lấy, vì cúng cô hồn

- Thứ nhất: người cúng không ăn,

- Thứ nhì: không đem vào nhà (nếu không ai giành giật thì bỏ vào túi cho vào sọt rác). Còn đồ mã thì đốt ngay tại chỗ, đĩa muối gạo được rải ra xa.


Tam Nương Sát


Thượng tuần sơ tam, sơ thất

Trung tuần thập tam, thập bát

Hạ tuần chấp nhì, chấp thất.


Ngày tam nương theo tín ngưỡng dân gian Trung Quốc là những ngày rất xấu. Do đó, mỗi khi khởi sự làm một việc quan trọng (như khai trương, xuất hành, cưới hỏi, sửa chữa hay cất nhà, v.v...) để khỏi chuốc lấy thất bại, phải tránh khởi sự vào các ngày tam nương, gồm sáu ngày mùng 3, mùng 7, 13, 18, 22, và 27 trong mỗi tháng âm lịch.

Tam nương là “ba người đàn bà”. Theo dân gian Trung Quốc, tam nương gồm ba nàng Muội Hỉ, Đát Kỷ, và Bao Tự. Hầu hết sách sử Trung Quốc đều kết tội ba giai nhân tuyệt sắc này là nguyên nhân làm sụp đổ ba triều đại Hạ, Thương, Tây Chu vào trước Công nguyên (TCN). Các sử gia đều phỏng chừng ba sự kiện “tan nhà đổ nước” này lần lượt xảy ra trong các năm như sau:

1. Muội Hỉ mê hoặc vua Kiệt

(tức Lý Quý, cai trị khoảng -1600 TCN), làm sụp đổ nhà Hạ (khoảng 1600 TCN-2100 TCN).


2. Đát Kỷ (người Việt quen gọi Đắc Kỷ) mê hoặc vua Trụ

(tức Đế Tân, cai trị khoảng 1154 TCN - 1066 TCN), làm sụp đổ nhà Thương.

Huyền thoại đề quyết nàng Đát Kỷ là con cáo thành tinh (hồ ly tinh), có phép hóa ra mỹ nhân.


3. Bao Tự mê hoặc vua U

(tức Cơ Cung Niết, cai trị 771 TCN – 781 TCN), làm sụp đổ nhà Tây Chu (khoảng 771 TCN - 1066 TCN).


Vua U chưa bao giờ thấy nàng cười, ra lệnh ai làm nàng cười sẽ được thưởng ngàn lạng vàng. Nhà thơ Lý Bạch viết: “Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim” (Ngàn vàng đổi lấy một nụ cười người đẹp). Nàng thích nghe tiếng lụa bị xé, vua U cho xé lụa ngày đêm để nàng vui, thậm chí còn cho đốt lửa trên các hỏa đài để đánh lừa các chư hầu đem quân về cứu Thiên tử nhà Chu (vua U). Bao Tự đứng trên lầu cao, nhìn cảnh chư hầu mắc lỡm, cười ngặt nghẽo. Hậu quả, khi bị quân Khuyển Nhung vây khổn nguy ngập, vua U cho đốt lửa trên hỏa đài thì các chư hầu không thèm về cứu vì đinh ninh là trò lừa bịp cốt làm vui lòng người đẹp.


Theo dân gian Trung Quốc, ngày tam nương là ngày ba nàng Muội Hi, Đát Kỷ, Bao Tự được đưa vào nội cung của ba ông vua bị mang tiếng là rất hiếu sắc, tham dâm, bạo ngược vô đạo nói trên. Nhưng vì sao chỉ có ba nàng mà lại kể ra sáu ngày nhập cung? Ngày nào liên quan tới nàng nào? Xưa nay chẳng thấy ai giải thích!


Lại có thuyết cho rằng đó là ngày sinh và ngày mất của ba nàng. Nhưng chẳng lẽ tháng nào ba nàng này cũng đều có ngày sanh và ngày mất. Dù hoang đường nhưng tín ngưỡng dân gian lâu đời này đã truyền từ Trung Quốc sang Việt Nam, ảnh hưởng tới không ít quần chúng xưa nay. Thiếu cơ sở khoa học, thiếu bằng chứng xác thực, nhưng thói thường vẫn cho rằng “có kiêng có lành”.


Ngày Nguyệt Kị 

(Còn Có Sách Cổ Gọi Là Ngày Lý Nhân)


Niên niên nguyệt nguyệt tại nhân gian

Tùng cổ chí kim hữu văn tự

Khẩu khẩu tương truyền bất đẳng dấu

Vô sự vu tử chi xã tắc

Lý nhan nhập trạch táng 3 nam

Mùng 5 phạm ly tán gia trưởng

14 phùng chi thân tự chướng

23 hành thuyền lạc thủy lâm quan sự

Giai nhân Mộ khán nhị thập tam.


Ngày Nguyệt Kị là các ngày 05, 14, 23 âm lịch hàng tháng.

Trong phong tục Việt Nam, ngày Nguyệt Kị là ngày xấu, kiêng không xuất

hành.

Nhưng một bộ phận khác lại cho rằng đó là 03 ngày tốt nhất trong tháng, ngày xấu, mọi người kiêng xuất hành thì ra đường càng đỡ đông đúc, chạy xe rộng chỗ đỡ phải chen lấn, dễ đi lại.

Vì sao lại như vậy? Thực ra đó cũng là một vấn đề về tâm lý. Ngày tốt đối với người này nhưng lại xấu với người khác. Ngày xưa các bậc vua chúa hay chọn 3 ngày đó để đi du ngoạn. Vua đi đến đâu cũng có binh lính dẹp đường, quan lại, cung tần mỹ nữ... cả một đám đông theo hầu. Dân chúng không được ngó mặt vua chúa, phải cúi rạp người xuống đất, không được ngẩng mặt lên ở hai bên vệ đường, chờ cho vua đi qua mới được ngẩng mặt đứng lên để đi tiếp. Những người có việc vội thì có khi bị nhỡ việc. Vì thế những ngày này mọi người hạn chế bố trí những việc phải đi lại nhất là đi qua những đường chính.

Dần dần việc đó trở thành phong tục kị xuất hành vào các ngày 05, 14, 23 âm lịch hàng tháng (gọi đó là ngày Nguyệt Kị - kiêng xuất hành). Như vậy, ba ngày 05, 14, 23 là ngày tốt với các bậc vua chúa nhưng lại là ngày xấu đối với dân thường.

Nhưng đối với Việt Nam ta, nhất là ở các thành phố lớn thì ngày nào cũng bị


tắc đường chứ không phải chỉ có ba ngày nguyệt kị. Và như vậy theo thuyết trên thì ngày nào cũng là ngày nguyệt kị cả. Đúng là trong dân gian có lưu truyền phong tục kiêng ngày 5,14, 23 (đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn). Lý do là những ngày đó là số 5 hoặc cộng các số lại thì cũng là số 5.


Theo quan điểm của số ngũ hành thì số 5 biểu thị cho nhà vua, ngày mang Số 5 là ngày của nhà vua hay đi đây đó và theo luật của phong kiến thì người dân khi thấy vua thì phải quỳ xuống không được nhìn mặt nhà vua. (như trên đã giải thích) Nếu đi lại trong những ngày này sẽ gặp nhiều điều bất tiện không được suôn sẻ. Chính vì vậy dần dần hình thành nên phong tục kiêng đi lại trong những ngày này.


Đây là một phong tục hoàn toàn không có căn cứ trên cơ sở khoa học nào, nó chỉ là thói quen hình thành do truyền miệng từ người này sang người khác mà thôi.


Vậy nên đây là những ngày thực chất không cần kiêng kị gì cũng không

sao.


KHÓA HỌC PHONG THỦY Admin

viết Yêu Cầu Tư Vấn